Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng trong hệ thống chính trị. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đánh giá bởi chất lượng của đại biểu Quốc hội. Do đó, việc lựa chọn để bầu ra những đại biểu xứng đáng sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 lần này là một trong những công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2011. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân tham gia Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta và địa phương, cơ sở.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ bầu 500 Đại biểu Quốc hội, trong đó cố gắng phấn đấu đạt tỷ lệ đại biểu chuyên trách tăng từ 25% lên 30% tổng số đại biểu Quốc hội. Ngoài các đại biểu chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có một đại biểu chuyên trách. Riêng ở bốn địa phương: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An - mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách.
Trong cuộc bầu cử lần này, phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ, bảo đảm khoảng 30%; đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng có tỷ lệ 15% - 20%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi trở xuống chiếm tỷ lệ 30%. Có cơ cấu đại biểu hợp lý để bảo đảm đủ đại diện của các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành, các dân tộc, tôn giáo… Nhưng vấn đề quan trọng, cốt lõi là nâng cao chất lượng đại biểu; cơ cấu phải kết hợp với tiêu chuẩn đại biểu.
I. Các văn bản chỉ đạo liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp:
- Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (bản hợp nhất 2003-2010);
- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (bản hợp nhất 1997-2010);
- Nghị quyết 1018NQ/UBTVQH12 ngày 21/01/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016;
- Chỉ thị 192/CT-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016
- Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 05/01/2011 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016;
- Thông tư 05/2011/TT-BNV ngày 12/02/2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại - - Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
- Quyết định 215/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
II. Một số nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội:
1. Về quyền bầu cử và ứng cử:
Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri là: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù; người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.
Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:
- Những người không được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội thì đương nhiên không được ứng cử đại biểu Quốc hội;
- Người đang bị khởi tố về hình sự;
- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng chưa được xoá án tích;
- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
2. Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội:
- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làmcho dân giàu, nước mạnh, , dân chủ, công bằng, văn minh;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
3. Vị trí, chức năng của Quốc hội
Vị trí, chức năng của Quốc hội được Hiến pháp năm 1992 xác định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.
Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
4. Công tác vận động bầu cử:
Vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc của người ứng cử với cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích của việc tổ chức vận động bầu cử là tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội.
Nguyên tắc vận động:
Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri;
- Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
- Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình;
- Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri;
- Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.
Mọi ứng cử viên, kể cả người tự ứng cử và những người được giới thiệu đều bình đẳng trong vận động bầu cử. Mỗi ứng cử viên đều có quyền vận động cho mình, nói tốt về mình nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân khác, ứng cử viên khác.
5. Quyền và nghĩa vụ của cử tri:
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Trong thời gian lập danh sách cử tri, mọi công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội thì đều được ghi tên vào danh sách cử tri. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Danh sách cử tri do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu.
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Khi cấp giấy chứng nhận, Uỷ ban nhân dân phải ghi ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri "đi bỏ phiếu nơi khác".
6. Ngày bầu cử:
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII được tiến hành vào ngày chủ nhật 22/5/2011.
Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh, truyền thanh và các phương tiện thông tin khác của địa phương.
7. Thể thức bỏ phiếu:
Trong ngày bầu cử, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá mười giờ đêm cùng ngày.
Mỗi cử tri chỉ có quyền sử dụng một phiếu bầu để bầu cử. Cử tri phải tự mình đi bầu, không được bầu bằng cách gửi thư. Nếu cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu.