Một góc nhìn về những đổi thay
Nhìn lại những thay đổi trong lịch sử Nhà máy, có những thời điểm then chốt cần bứt phá để vươn mình phát triển. Còn nhớ những năm 90, khi Nhà máy bắt đầu chuyển từ làm thủ công sang sử dụng máy móc. Khi thị trường đòi hỏi tăng sản lượng, chất lượng cao hơn, nếu không đổi mới sẽ không có cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay. Sự đánh đổi lúc đó, cũng như bây giờ, khiến không ít người lo lắng, hoang mang, thậm chí phản đối. Nhưng rồi chúng ta đã vượt qua. Máy móc giúp công việc nhẹ hơn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, mở ra một thời kỳ phát triển thần tốc.
Và bây giờ, một sự chuyển mình mới đang đến: Chuyển đổi số
Sự thay đổi không còn nằm ở chiếc máy, mà nằm ở cách chúng ta làm việc - từ ghi sổ sang dùng phần mềm, từ báo cáo giấy sang theo dõi trên điện thoại, từ xử lý sự cố bằng cảm giác sang phân tích bằng dữ liệu.
Một lần nữa, có người nói: “Phức tạp quá, không quen”; “Ngày trước ghi tay là xong, giờ phải nhập máy”. Đó cũng là những câu nói thể hiện tâm trạng như những đổi thay ở thập niên 90. Nhưng lịch sử cho thấy: Những ai dám học, dám thay đổi – chính là những người đứng vững và vươn lên mạnh mẽ nhất.
Tại sao phải chuyển đổi số?
Chưa bao giờ ngành thuốc lá đối diện với nhiều thay đổi, từ tốc độ ra sản phẩm mới đến thích ứng với những quy định vừa khắt khe, lại nhanh và quyết liệt đến vậy. Hài lòng với hiện tại, chúng ta liệu có vượt qua:
- Cạnh tranh từ chi phí ngày càng khốc liệt, thế mạnh gia công bằng nhân công rẻ có so được với chi phí vận hành sản xuất rẻ. Tạo lợi thế cạnh tranh bằng áp dụng tự động hóa, số hóa, các nhà máy khác đã sử dụng phần mềm, dùng dữ liệu, kiểm soát sản lượng, chi phí từng phút, từng giờ. Nếu ta vẫn làm theo cách cũ, chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.
- Khách hàng và nhà cung cấp đã khác rồi. Họ không chỉ cần sản phẩm tốt, hợp tác đơn lẻ mà cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ, cùng nhau giải quyết các nhu cầu của thị trường. Nếu không số hóa, chúng ta có nguy cơ mất đơn hàng.
Và quan trọng nhất, chính con người chúng ta. Chuyển đổi số không phải là để thay người, mà là để hỗ trợ người – để ai cũng làm việc dễ hơn, rõ ràng hơn, có cơ hội phát triển. Tôi tin rằng, khi được hướng dẫn đúng, được hỗ trợ đầy đủ, ai trong chúng ta cũng có thể làm được.
Hành trình của trái tim và trí tuệ
Nhiều người nghĩ chuyển đổi số chỉ là chuyện của máy móc, phần mềm, công nghệ. Nhưng sự thật không chỉ vậy, nó là một hành trình toàn diện, đòi hỏi sự kết hợp giữa trí tuệ và cảm xúc của mỗi người.
Nghĩa là chúng ta cần cái nhìn chiến lược, phải hiểu vì sao cần thay đổi, thay đổi để làm gì, và áp dụng công nghệ nào cho phù hợp với công việc thật sự. Phân xưởng 1 với dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, liệu đã khai thác hết năng lực để đáp ứng chuyển đổi số? Đòi hỏi cần có kiến thức và kỹ năng công nghệ - không cần phải giỏi ngay, nhưng cần sẵn sàng học. Những công nghệ được tích hợp vào phần mềm sản xuất, dữ liệu lớn, AI,… đang dần trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực.
Và quan trọng, phải có cách làm bài bản, kế hoạch rõ ràng, biết quản lý rủi ro và triển khai từng bước chắc chắn - chứ không làm theo phong trào. Nhà máy đang đi từng bước nhỏ trong quá trình ấy nhưng rồi sẽ là bước tiến lớn, một mảnh ghép hoàn hảo cho một Mega factory.
Thay đổi lớn nhất trong chuyển đổi số không phải ở máy móc – mà chính là thay đổi tư duy con người, phải sẵn sàng học cái mới, bỏ bớt thói quen cũ, cùng nhau xây dựng một văn hóa cởi mở, nơi mọi người được khuyến khích học hỏi, không ngại thay đổi để tiến bộ.
Và người lãnh đạo - không chỉ dẫn dắt bằng lý trí - mà còn phải biết truyền cảm hứng, tạo niềm tin và sự an tâm. Vì ai cũng có lúc lo lắng, sợ không theo kịp. Lúc ấy, điều mọi người cần nhất là sự thấu hiểu và đồng hành.
“Nếu có trí tuệ để dẫn đường và trái tim để kết nối, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”.
Những thách thức và khó khăn
Một trong những trở ngại lớn nhất là: pháp luật hiện hành đôi khi chưa theo kịp công nghệ. Ví dụ như hồ sơ điện tử, chữ ký số, dữ liệu sản xuất tự động – có được coi là hồ sơ pháp lý chưa? có kiểm tra được không? Chúng ta phải đi trên một con đường “vừa làm vừa điều chỉnh”, đảm bảo không sai quy định nhưng vẫn áp dụng được tiến bộ mới.
Khi số hóa, mọi dữ liệu đều rõ ràng, minh bạch và cập nhật theo thời gian thực: Ai làm việc gì, làm khi nào, có đạt hay không đều được ghi lại. Điều này là cần thiết để công bằng, minh bạch và quản lý tốt hơn. Nhưng đồng thời, nó cũng khiến một số người cảm thấy bị "soi", cảm thấy áp lực, hoặc sợ lộ điểm yếu. Vì thế, nếu không có cách truyền thông đúng đắn, không tạo ra được môi trường tin cậy - dễ sinh ra tâm lý e dè, chống đối thầm lặng.
Nhiều người quen làm theo cách cũ, khi yêu cầu nhập dữ liệu, học phần mềm, làm theo quy trình mới - thì không khỏi cảm thấy phiền, hoặc lo sợ. Nếu không có sự hỗ trợ, không được đào tạo, kèm cặp - thì người giỏi công việc cũng có thể bị "tụt lại" chỉ vì chưa quen công nghệ.
Phần mềm, thiết bị tự động hóa, IoT, kết nối mạng, bảo mật thông tin, nếu không được đầu tư đồng bộ, hoặc áp dụng rời rạc… thì dễ gây lãng phí, xung đột hệ thống, thậm chí gây lỗi nhiều hơn là giúp ích.
Văn hóa "làm theo thói quen", "né trách nhiệm", hay “làm miệng chứ không ghi lại” vốn đã tồn tại lâu năm. Khi chuyển sang môi trường số hóa - cần mọi thứ rõ ràng, ghi chép, có bằng chứng, thì văn hóa cũ sẽ cản trở văn hóa mới. Và đây là trở ngại lớn nhất nhưng lại ít ai nhắc đến.
Vươn mình chào đón tương lai rực rỡ
Chuyển đổi số là tương lai. Và tương lai đó đang bắt đầu từ chính hôm nay - từ những người dũng cảm dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thay đổi vì một mục tiêu chung “Một nhà máy Mega factory hiện đại, hiệu quả, hạnh phúc hơn”.
Nguyễn Thái Sơn – Phòng Công nghệ