Ký ức ngày 30/4 tại hậu phương lớn Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa

 Ngày 30/4/1975. Một ngày không bao giờ quên trong ký ức những học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong lứa tuổi học sinh lớp 10 năm ấy, tôi chứng kiến cái không khí thật là tưng bừng và cảm động.

Ảnh Tư liệu: Nhân dân Thủ đô Hà nội xuống đường mừng Sài Gòn giải phóng

Đúng 11g30 phút ngày 30-4, trên loa phóng thanh giọng  Phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam vang lên đầy xúc động và tự hào… Sài Gòn đã giải phóng. Miền Nam giải phóng. Lịch sử đã sang trang… Cùng lúc một hồi còi vang động báo hiệu thời khắc  đặc biệt. Hàng ngàn sinh viên của 7 dãy nhà 5 tầng đều túa ra chật cứng cầu thang một số không thể đi xuống được thì đứng nhìn qua các ô cửa sổ. Nhóm chúng tôi là con em cán bộ của trường ở ngay trệt nhà A5 chạy ra thì đã thấy các cô chú là cán bộ giảng dạy gốc Miền Nam tập kết, có Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn là hiệu trưởng của trường,  trên tay đang cầm cái Radio hiệu Rionton của Hungari mở hết âm thanh. Có người cảm xúc đến trào nước mắt hét to lên giọng tràn xúc động mừng và khóc: “ Miền Nam giải phóng rồi các anh chị ơi! Ngày mai chuẩn bị về Miền Nam đi các bạn ơi. Nhiều người bạn cùng trường cũng thật bất ngờ nghe tin Sài Gòn đã giải phóng. Buổi chiều chúng tôi đi học như mọi ngày nhưng trường cho học sinh nghỉ học. Từ đường Cầu Giấy, đám học trò cuối cấp chúng tôi ùa ra phố. Đường đông vô kể, xe đạp làm tắc cả đường phố, tàu điện không thể đi được. Có lẽ đây là lần tắc đường đầu tiên ở Hà Nội dù thời điểm đó dân số nội thành chưa đầy một triệu người. Bờ Hồ càng đông hơn, chỗ nào cũng có tiếng pháo nổ và cũng lần đầu, tổ phục vụ của các tiểu khu không lấy tiền trông xe đạp. Tại cột phát sóng vô tuyến truyền hình ở phố Quán Sứ, có nhiều bánh pháo được treo từ đỉnh cột xuống đất, tiếng pháo nổ kéo dài mấy phút mới hết. Bài hát "Sài Gòn quật khởi" và "Tiến về Sài Gòn" phát đi phát lại trên loa truyền thanh, không khí phố phường nhộn nhịp hơn cả tết. Nhiều xí nghiệp, nhà máy cho công nhân lên xe ô tô, tay dâng cao ảnh Bác Hồ đi quanh các tuyến phố. Học sinh trường nhạc vừa đi vừa kéo accordéon và violon. Tàu điện chạy trên phố Cầu Giấy, Bờ Hồ, Hàng Gai liên tục leng keng xin đường., dừng, chạy liên tục mà không ai trách móc. Không khí này kéo dài đến đêm, cả Hà Nội xem pháo hoa lộng lẫy mừng chiến thắng

Là trường đại học lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, cũng như các trường Bách Khoa, Tổng Hợp, Y Dược… trong chiến tranh nhiều lớp sinh viên đã xếp bút nghiên xung phong ra mặt trận. Trong số đó có hàng trăm người đã hy sinh trong chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Chúng tôi sẽ không thể nào quên được ngày lịch sử đó.

PĐT

  

  
 Thư viện ảnh